Sau khi dịch Covid-19 tái bùng phát thì việc tăng giá bán liên tục không còn là cách mà các doanh nghiệp áp dụng. Giá chững lại thì cơ hội mua nhà an cư của khách hàng ở thực trở nên thuận lợi hơn?
Lãi suất cho vay mua nhà có dấu hiệu giảm
Việc các ngân hàng thương mại đồng loạt giảm lãi suất cho vay mua nhà thời điểm này đang là cơ hội lớn cho những người dân hiện thực hóa giấc mơ an cư. Cụ thể, tại tại Vietcombank, lãi suất được giảm từ 8,1%/năm xuống 7,7%/năm với gói vay ưu đãi 12 tháng.
Đặc biệt, để đa dạng hóa lựa chọn ngân hàng này cung cấp ra thị trường 7 phương án chọn ưu đãi lãi suất để người mua nhà có thể chủ động trong việc tính toán kế hoạch vay vốn.
Tương tự, các ngân hàng BIDV, VietinBank, Agribank lãi suất vay mua nhà được điều chỉnh giảm 0,2 – 1%/năm đối với nhiều kỳ hạn từ cuối tháng 7 vừa qua. Cụ thể, gói vay ưu đãi 12 tháng được BIDV giảm từ 8%/năm xuống 7,8%/năm; gói vay ưu đãi 24 tháng được hạ lãi suất từ 9%/năm xuống 8,8%/năm. Hết thời gian ưu đãi, lãi suất cho vay trung bình ở mức 10,1%/năm và thời hạn vay kéo dài 20 năm. Còn VietinBank lại đang đưa ra mức lãi suất cho vay mua nhà cạnh tranh, từ 8,1-10,5%/năm. Thời hạn cho vay tối đa tới 20 năm. Hạn mức cho vay đến 80% tổng nhu cầu vốn.
Tương tự, TPBank giảm lãi suất cho vay mua nhà từ 10,5% xuống 9,5% với gói vay ưu đãi 12 tháng. Lãi suất cố định trong 3 tháng đầu tiên là 6,9%/năm. Lãi suất sau ưu đãi được áp dụng quanh mức 11,6 -12%/năm. TPBank cho phép vay tối đa tới 85% giá trị tài sản.
Eximbank cũng không nằm ngoài cuộc chơi khi đang cho vay mua nhà với gói lãi suất ưu đãi 11,5%/năm trong suốt thời gian vay vốn. Sau thời gian ưu đãi, mức lãi suất được tính theo quy định của ngân hàng. Ngân hàng VIB cũng đang cho vay mua nhà với 2 gói lãi suất ưu đãi. Với các khoản vay có giá trị nhỏ hơn 1,5 tỷ đồng thì lãi suất với gói 1 là 8,7%/năm cố định trong 6 tháng đầu tiên, còn gói 2 có lãi suất 10,3%/năm cố định trong 12 tháng đầu tiên.
Động thái này của các ngân hàng tác động phần nào đến cơ hội mua nhà để ở của người có nhu cầu ở thực. Thực tế nhu cầu sở hữu chốn an cư ở các đô thị lớn đang rất lớn trên thị trường BĐS.
Thế nhưng, những năm qua, giá nhà đất liên tục thiết lập mặt bằng giá mới khiến việc sở hữu nhà của những người ở thực ngày càng trở nên xa vời. Đa số họ có tích lũy ban đầu khá khiêm tốn, khi mua nhà – đất phải sử dụng vốn vay ngân hàng. Vì thế, nếu lãi suất có xu hướng giảm thì khả năng những đối tượng này sẽ “mạnh dạn” vay ngân hàng mua nhà ở.
Giá BĐS có dấu hiệu chững lại, nhiều trường hợp phải bán cắt lỗ, giảm giá
Mặc dù giá BĐS vẫn có xu hướng tăng lên, không giảm trên diện rộng nhưng một điều dễ nhận thấy là ở hầu hết các phân khúc, giá BĐS đang có dấu hiệu chững lại, không tăng liên tục như thời gian trước đó. Đây cũng chính là lúc mà dòng tiền mua nhà ở thực cũng thể hiện rõ nét trên thị trường.
Bởi, những đối tượng khách mua nhà để ở nhắm lúc giá ít biến động, thị trường trầm lắng sẽ vào thị trường để tìm được nhà có mức giá chuẩn.
Theo một môi giới sống tại Q.9, sau đợt dịch lần 1, người mua ở thực đi xem đất áp đảo NĐT.
Khi dịch tái bùng phát, lượng người mua nhà để ở gọi điện tìm hiểu nhà đất cũng nhỉnh hơn NĐT. Điều đầu tiên họ quan tâm là giá cả. Có thể miếng đất đó họ đã nhắm từ trước nhưng do giá biến động liên tục nên chưa mua. Đến nay khi thị trường chững lại, họ có thể thương lượng với chủ nhà với giá thấp hơn. “Vì thế, hầu hết những nền đất mà bán ra được trong thời điểm dịch bùng phát là đến từ người mua ở thực”, môi giới này cho biết.
Theo ghi nhận, tại các khu vực ven Tp.HCM, những nền đất đã có sổ được NĐT mua bán trước đó 3-4 năm, hiện người mua ở thực nhắm đến khá nhiều. Riêng NĐT thì ít mua vào do biên lợi nhuận không còn tốt như thời điểm đầu mở bán.
Trong đó, có những nền NĐT cần vốn gấp nên bán ra giá giảm khoảng 50 triệu đến 150 triệu đồng thì bên cạnh các NĐT khác vào mua ngay thì người mua ở thực cũng săn đón các nền dạng này để mua vào.
Nếu sau đợt dịch lần 1 thì BĐS có dấu hiệu tăng giá nhẹ hoặc đi ngang thì theo các môi giới, dịch đợt 2 này dường như mức giá bán ra giữ so với thời điểm đầu năm. Tâm lý “xuống tiền” mua BĐS ngày càng thận trọng, thêm vào đó thu nhập của người mua thực bị ảnh hưởng bởi dịch nên cũng không dễ dàng để họ mua ngay. Việc tăng giá bán liên tục không còn là cách làm của doanh nghiệp thời điểm này, mà thay vào đó là hỗ trợ chiết khấu cho khách mua “mạnh tay” hơn để ra được hàng.
Theo một Trưởng phòng kinh doanh của một sàn BĐS tại Tp.HCM, hiện tại để kích cầu, sàn đưa ra chính sách chiết khấu và giãn tiến độ thanh toán cho khách hàng mua sản phẩm, chứ việc giảm giá chưa được tính đến ở thời điểm này.
Có điều, với những khách hàng mua sản phẩm ở giai đoạn này chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhiều hơn rõ nét vì đang được công ty hỗ trợ.
Nguồn: Cafef.vn